Hội nghị trực tuyến về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 và các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025

07:26 SA @ Thứ Năm - 17 Tháng Bảy, 2025

Sáng 16/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 và các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025.

Quang cảnh Hội nghị

Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Bí thư Đảng ủy Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương, lãnh đạo các ngân hàng thương mại, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Đại diện Tập đoàn Hóa chất Việt Nam dự Hội nghị tại Trụ sở Chính phủ có đồng chí Phùng Quang Hiệp - Ủy viên BCH Đảng bộ Chính phủ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên; đồng chí Nguyễn Hữu Tú – Phó Bí thư Đảng ủy, Thành viên Hội đồng Thành viên, Tổng Giám đốc Tập đoàn.

Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các xã, phường, đặc khu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Đồng chí Phùng Quang Hiệp - Ủy viên BCH Đảng bộ Chính phủ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam tham dự Hội nghị tại Trụ sở Chính phủ

Đánh giá chung trong 6 tháng năm 2025, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là từ bên ngoài; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, quyết sách của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, nhất là về tổ chức bộ máy, thể chế, pháp luật, phát triển khoa học công nghệ, hội nhập quốc tế, kinh tế tư nhân…; hoàn thành khối lượng lớn công việc, chủ động, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh; thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt tăng trưởng cao nhất gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Kết quả 6 tháng đầu năm, nền kinh tế tiếp tục đạt nhiều kết quả nổi bật; tăng trưởng kinh tế 6 tháng đạt 7,52% so với cùng kỳ, cao nhất trong cùng kỳ gần 20 năm qua; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,11%, là động lực dẫn dắt tăng trưởng chung; xuất khẩu tăng 14,4%; thu NSNN đạt 67,7% dự toán, tăng 28,3%; vốn FDI đăng ký trên 21,5 tỷ USD, tăng 32,6%; số doanh nghiệp đăng ký gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt 152,7 nghìn doanh nghiệp, cao hơn 20% so với số rút lui khỏi thị trường, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế đạt gần 2,8 triệu tỷ đồng, tăng 89,03%... Nhiều tổ chức đã đồng loạt nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Hội nghị được truyền trực tuyến đến Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các xã, phường, đặc khu trên cả nước. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Tại Hội nghị, Bộ Tài Chính đã tham mưu xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế - xã hội. Theo đó, Kịch bản 1 xác định tăng trưởng cả năm 2025 đạt 8%. Cụ thể, nếu tăng trưởng quý III đạt 8,3% so với cùng kỳ, tương đương với kịch bản tại Nghị quyết 154/NQ-CP; quý IV đạt 8,5% (cao hơn kịch bản 0,1%). Quy mô GDP cả năm khoảng trên 508 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD.

Kịch bản 2 (tăng trưởng cả năm 2025 đạt 8,3-8,5%), Bộ ước tính nếu tăng trưởng quý III đạt 8,9-9,2% so với cùng kỳ (cao hơn kịch bản 0,6-0,9%); quý IV đạt 9,1-9,5% (cao hơn kịch bản 0,7-1,1%). Quy mô GDP năm 2025 khoảng trên 510 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.020 USD. Tại hội nghị, các ý kiến phát biểu của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cơ bản thống nhất những định hướng theo báo cáo của Bộ Tài chính; khẳng định mục tiêu tăng trưởng 8,3-8,5% trong năm 2025 hoàn toàn có khả năng thực hiện để tạo đà, tạo lực, tạo khí thế để tự tin bước vào giai đoạn 2026 - 2030, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu chiến lược của cả giai đoạn 2021 - 2030.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ khẩn trương tổng hợp, tiếp thu các ý kiến đóng góp, để sớm hoàn thiện, trình ban hành Nghị quyết của Chính phủ để điều chỉnh, giao mục tiêu tăng trưởng quý III, quý IV và 6 tháng cuối năm của cả nước, từng địa phương, ngành, lĩnh vực. Thủ tướng cũng nêu cụ thể 16 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Thủ tướng yêu cầu cả hệ thống chính trị phải vào cuộc với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, làm việc nào dứt việc đó, làm việc nào ra việc đó, phân công "6 rõ": rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, rõ thẩm quyền.