Vinachem đang biến mỗi tấn khí thải, nước bẩn, gyps và lốp cũ thành tài nguyên kinh tế, đặt nền móng cho chiến lược "xanh hóa" chuỗi giá trị trong sản xuất.
Kinh tế tuần hoàn: Biến rác thành tài sản
Tại nhiều đơn vị thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), việc áp dụng công nghệ sạch và tận dụng phụ phẩm sản xuất đang dần trở thành xu hướng chủ đạo.
Từ khai thác năng lượng tái tạo, thu hồi khí thải đến tuần hoàn nước và tái chế chất thải rắn, Vinachem đang chứng minh rằng, phát triển bền vững không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội kinh doanh thực sự.
Ông Nguyễn Hữu Tú - Tổng giám đốc Vinachem - khẳng định: “Chúng tôi không chỉ muốn giảm phát thải mà còn muốn tạo ra giá trị từ những thứ tưởng chừng bỏ đi. Đó là cách mà sản xuất sạch hơn trở thành một chiến lược, chứ không phải khẩu hiệu”.
Tại các nhà máy thuộc Vinachem, điện mặt trời áp mái và đèn LED đã thay thế thiết bị cũ. Một số đơn vị sử dụng sinh khối như trấu, mùn cưa để thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch.Quá trình sản xuất cũng được tối ưu để tận dụng mọi phụ phẩm.
Khí hydro dư được thu hồi để sản xuất hydrogen peroxide (H₂O₂), CO₂ từ sản xuất urê và amoniac được hóa lỏng để cung cấp cho ngành chế biến thực phẩm, hàn cắt kim loại và bảo quản lạnh, thay vì thải trực tiếp ra môi trường. Đặc biệt, việc xử lý chất thải rắn như gyps tại Công ty CP DAP-Vinachem (Hải Phòng) là một ví dụ điển hình.
Từ hàng trăm nghìn tấn tồn kho mỗi năm, gyps đã trở thành nguyên liệu phụ gia cho xi măng sau khi doanh nghiệp hợp tác với Công ty CP Thạch cao Đình Vũ.
Tương tự, Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) đã tái chế khoảng 60.000 lốp xe cũ mỗi năm thành vật liệu làm đường, tấm cách âm và gạch cao su. Không chỉ hóa chất vô cơ, cao su phế thải cũng bước vào vòng tuần hoàn mới.
Với nhà máy tái chế lốp 110.000 chiếc/năm, Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) thu hồi khoảng 60.000 lốp cũ, chế biến thành gạch cao su, tấm cách âm, mặt đường đàn hồi, những sản phẩm vốn lệ thuộc vào nhập khẩu.
Hiện thực hóa mục tiêu sản xuất sạch hơn
Chuyển đổi công nghệ là trọng tâm để hiện thực hóa mục tiêu sản xuất sạch hơn. Tại Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, việc chuyển từ quặng pyrit sang lưu huỳnh nhập khẩu trong sản xuất axit sunfuric không chỉ giảm phát sinh xỉ pyrit mà còn nâng cao hiệu suất và giảm khí SO₂ nhờ công nghệ hấp thụ kép.
Trong khi đó, Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển cải tiến lò cao, giúp giảm tới 24% lượng than và 20% lượng điện tiêu thụ, đồng thời giảm khói bụi đáng kể.
Tái sử dụng nước thải cũng là một điểm sáng. Tại các nhà máy DAP, gần như toàn bộ nước thải chứa gypsum được xử lý và tái sử dụng, giảm khai thác nước ngọt và góp phần cân bằng tài nguyên nước tại khu vực sản xuất. Thu hồi CO₂ cũng trở thành giải pháp kép, vừa bảo vệ môi trường, vừa tăng thêm nguồn thu.
Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc mỗi năm thu hồi hàng chục nghìn tấn CO₂ lỏng cung cấp cho thị trường, thay vì để phát tán ra khí quyển.Theo đại diện Đạm Ninh Bình, lượng CO₂ thu hồi khoảng 10.000 tấn/năm đang được tiêu thụ mạnh tại các tỉnh phía Bắc.
Tổng giám đốc Vinachem cho biết, đến nay, khoảng 70% nhà máy trong tập đoàn đã áp dụng một phần hoặc toàn diện mô hình sản xuất sạch hơn. Một số chỉ tiêu cho thấy hiệu quả rõ rệt: Giảm 5 - 15% điện năng tiêu thụ, 3 - 10% nguyên liệu đầu vào và 10 - 20% chất thải rắn phát sinh.