Chính thức áp mức thuế giá trị gia tăng 5% với phân bón từ 1/7

09:50 SA @ Thứ Sáu - 04 Tháng Bảy, 2025

Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) năm 2024 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025, chuyển phân bón từ diện không chịu thuế sang chịu thuế giá trị gia tăng 5%.

Theo đó, Nghị định số 181/2025/NĐ-CP của Chính phủ vừa ban hành ngày 01/7/2025 đã hướng dẫn chi tiết các điều khoản thi hành của Luật Thuế GTGT năm 2024 được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 26/11/2024 nêu rõ, mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% sẽ được áp dụng cho mặt hàng phân bón và một sản phẩm vật tư nông nghiệp từ ngày 1/7.

Các quy định mới này mang đến nhiều thay đổi quan trọng, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, yêu cầu các tổ chức và doanh nghiệp cần nắm rõ để đảm bảo tuân thủ và tận dụng lợi thế.

Theo đó, mức thuế suất 5% sẽ được áp dụng cho một số mặt hàng và dịch vụ quan trọng trong ngành nông nghiệp, bao gồm: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các dịch vụ liên quan đến sản xuất, sơ chế và bảo quản nông sản, và máy móc, thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp và thủy sản.

Đáng chú ý, mặt hàng phân bón từ diện không chịu thuế GTGT nay chính thức được áp dụng mức thuế suất 5%. Điều này được quy định rõ tại Khoản 1, Điều 19 của Nghị định số 181/2025/NĐ-CP: Phân bón, quặng để sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và chất kích thích tăng trưởng vật nuôi theo quy định của pháp luật, trong đó: quặng để sản xuất phân bón là các quặng làm nguyên liệu để sản xuất phân bón như quặng apatit dùng để sản xuất các loại phân bón chứa lân, đất bùn làm phân vi sinh; thuốc bảo vệ thực vật thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Việc áp dụng mức thuế suất GTGT 5% đối với phân bón và vật tư nông nghiệp được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều tác động tích cực cho nền kinh tế và ngành nông nghiệp. Thay đổi này được đánh giá sẽ giúp giảm đáng kể chi phí sản xuất cho các doanh nghiệp trong nước nhờ việc được khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với vốn, vật tư, máy móc thiết bị.

Đồng thời, làm tăng lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm phân bón sản xuất trong nước, bởi lẽ phân bón nhập khẩu sẽ phải chịu thêm 5% thuế GTGT, qua đó khuyến khích sản xuất nội địa và giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài.

Đối với người tiêu dùng, khi chi phí sản xuất được tiết giảm, các doanh nghiệp trong nước có khả năng sẽ giảm giá bán sản phẩm tương ứng, đặc biệt trong trường hợp giá nguyên liệu đầu vào trên thị trường quốc tế không tăng.

Bên cạnh đó, chính sách này cũng được đánh giá là không gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngân sách nhà nước, bởi thuế thu được từ khâu nhập khẩu sẽ bù trừ cho phần thuế được hoàn lại cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Ngoài ra, phân bón hiện là sản phẩm bình ổn giá. Do đó, trong trường hợp cần thiết, Nhà nước có thể áp dụng các biện pháp bình ổn giá nếu có biến động lớn trên thị trường, nhằm đảm bảo giá phân bón không tăng quá cao, bảo vệ lợi ích của người nông dân.

Việc nắm vững những thay đổi mới của Luật Thuế giá trị gia tăng 2024 sẽ giúp các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Ngoài việc điều chỉnh thuế giá trị gia tăng với mặt hàng phân bón, Nghị định số 181/2025/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định và hướng dẫn chi tiết mức thuế giá trị gia tăng cho rất nhiều nhóm ngành hàng khác, hầu hết cũng đều có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.