Chiều tối 22/7/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị với các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2025, tạo đà tăng trưởng hai con số giai đoạn tiếp theo.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến điểm cầu các tỉnh, thành phố và điểm cầu tại các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài.
Đại diện Tập đoàn Hóa chất Việt Nam dự Hội nghị tại Trụ sở Chính phủ có đồng chí Nguyễn Hữu Tú – Phó Bí thư Đảng ủy, Thành viên Hội đồng Thành viên, Tổng Giám đốc Tập đoàn.
Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, 6 tháng đầu năm 2025, công tác ngoại giao kinh tế được Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai với tinh thần quyết liệt, chủ động, hiệu quả, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Theo đó, đã triển khai 50 hoạt động đối ngoại của lãnh đạo chủ chốt (cả năm 2024 là 59 hoạt động), nâng cấp quan hệ với 10 nước, ký kết 253 thoả thuận hợp tác, trong đó kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ là trọng tâm. Cùng với đó, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, duy trì và thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư với các đối tác chủ chốt, nhất là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, EU, các nước ASEAN; triển khai quyết liệt, hiệu quả chủ trương đa dạng hóa thị trường, đối tác, tạo đột phá ở một số thị trường mới, tiềm năng như Mỹ Latinh, Trung Đông - châu Phi, Trung Á,...
Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã triển khai gần 300 hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch; hỗ trợ địa phương tổ chức hơn 150 hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư của các địa phương ở trong và ngoài nước, đồng thời hỗ trợ nhiều doanh nghiệp kết nối đối tác nước ngoài.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những kết quả tích cực mà các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã đạt được, đóng góp vào những thành tựu, kết quả chung của đất nước thời gian qua. Thủ tướng nhấn mạnh ngoại giao kinh tế là một trong những trọng tâm của ngoại giao thời đại mới, yêu cầu các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục nắm chắc tình hình, tham mưu, đề xuất giải pháp, không để lãnh đạo Đảng, Nhà nước bị động, bất ngờ về đối ngoại; kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả; thúc đẩy đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do, khai thác các thị trường truyền thống và khai mở những thị trường mới; thu hút các nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia phục vụ quá trình phát triển đất nước.
Đồng thời, tiếp tục đưa quan hệ với các nước láng giềng, nước lớn, các đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, ổn định, thực chất, bền vững; thúc đẩy và tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại cấp cao từ nay đến cuối năm, tạo môi trường thuận lợi cho tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực; tiếp tục thích ứng chủ động, linh hoạt với tình hình mới về thương mại, đầu tư quốc tế, triển khai đồng bộ các giải pháp đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, thúc đẩy xúc tiến thương mại, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết; hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu, đầu tư, kinh doanh có hiệu quả ở nước ngoài.